Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

CHỚ QUÊN CÁC ÂN HUỆ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Image result for hoa hồngThi thiên 103: 2 - 5
“Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va. Chớ quên các ân huệ của Ngài.” (C.2) Vì cớ con người thường hay “quên” do đó vua Đa-vít đã tự nhủ với lòng mình rằng: “Hỡi linh hồn ta… Chớ quên các ân huệ của Ngài.” Đây là lời nhắc nhở cần thiết vì con người thật sự quên quá thường xuyên. Chúng ta quên cảm ơn Chúa về các phước lành trong quá khứ, sự giải cứu hiện tại vô số sự thương xót khác, bởi vì chúng ta xem chúng quá đương nhiên.[1] Quên các ân huệ của Đức Chúa Trời thật sự là thiếu sót lớn trong đời sống người Cơ-đốc. Có sáu điểm quan trọng được vua Đa-vít nhấn mạnh ở đây:
Sự Tha Thứ
“Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi” (c.3). Ơn tha thứ của Đức Chúa Trời trên đời sống của Đa-vít nói riêng và của Cơ đốc nhân nói chung là phép lạ bày tỏ ân điển thiên thượng. Sự tha thứ bày tỏ tình thương yêu của Đức Chúa Trời dành cho những người được chọn. Nếu không có sự tha thứ, tất cả chúng ta đều hư mất đời đời. Chúa từng hứa rằng: “Dầu tội ác ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết, dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên” (Ê-sai 1: 18). Cũng đề cập đến sự tha thứ, Đa-vít đã viết tiếp trong câu 12 rằng: “Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài sẽ đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu.” Ngày hôm nay, bởi huyết của Chúa Jesus đổ ra trên thập tự giá và bởi đức tin nhờ cậy Ngài mà tất cả chúng ta được tha thứ, được tẩy sạch, được tuyên bố là vô tội, được làm con Đức Chúa Trời. Sự hiện diện của mỗi đời sống Cơ-đốc là một minh chứng cho tình yêu vĩ đại và ơn tha thứ vô bờ của Đấng Yêu thương. Đây là lý do nhắc nhở chúng ta không được quên các ân huệ của Ngài.
Sự Chữa Lành
Sau khi con người được tha tội, người ấy được chữa lành (Lu-ca 5: 20, 24 - 25). Đức Chúa Trời “Chữa lành mọi bệnh tật ngươi” cho thấy rằng Vị Bác sĩ thiên thượng đã và đang chữa lành các chứng bệnh tâm linh, tâm hồn và cả thân thể cho con cái Ngài. Mọi bệnh tật, đau yếu trong thế gian này đều bắt nguồn từ sự sa ngã, phạm tội và bị rủa sả của loài người. Chính ơn tha thứ của Đức Chúa Trời là khởi điểm cho sự chữa lành, phục hồi và phước hạnh. Đức Chúa Trời có thể sử dụng quyền năng, các phương tiện và sự cầu thay của thánh đồ để chữa lành các bệnh thuộc linh lẫn thuộc thể cho con cái Ngài trải các thời đại. Lời hứa “Đức Giê-hô-va là Đấng chữa bệnh ngươi” (Xuất 15: 26c) vẫn còn nguyên giá trị. Vô số những cuộc đời được Chúa chữa lành cả tâm linh, tâm hồn và thể xác là minh chứng cho Vị Lương Y Đại Tài. Đây là lý do nhắc nhở chúng ta không được quên các ân huệ của Ngài.
Image result for hoa hồngSự Cứu Chuộc
“Cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát” (c.4) là lời khẳng định cho thấy rằng Đức Chúa Trời là Đấng giải cứu chúng ta không những khỏi hư mất đời đời mà còn cứu giúp trong nhiều hoàn cảnh nguy hiểm, nghiệt ngã, tai ương, chết chóc… Chính Vua Đa-vít từng kinh nghiệm sự giải cứu của Chúa khi đối diện với sư tử, gấu, người khổng lồ Gô-li-át, vua Sau-lơ và kẻ thù trong chiến trận. Giáo sư Macdonand cho rằng: Chỉ khi đến thiên đàng chúng ta mới nhận thấy rằng chúng ta được bảo vệ thường xuyên đến mức nào bởi sự can thiệp trực tiếp của Chúa để chúng ta khỏi nguy hiểm.[2] Sự giải cứu của Đấng Toàn Năng là điều mà mỗi người Cơ đốc đều kinh nghiệm ít nhiều trong cuộc sống của mình. Điều này nhắc nhở chúng ta không được quên các ân huệ của Ngài.
Lòng Thương Xót
“Lấy sự nhân từ và sự thương xót mà làm mão triều đội cho ngươi” (c.4) là điều mà vua Đa-vít đã trải nghiệm trong đời sống của ông. Từ người chăn chiên được xức dầu làm Vua của Y-sơ-ra-ên, Đa-vít thật sự kinh nghiệm lòng thương xót vô biên của Đức Chúa Trời. Mão triều thiên, ngai vàng, địa vị, quyền lực, giàu có, vinh hiển... đều do lòng nhân từ và thương xót của Đức Chúa Trời.[3] Chúng tuyệt đối không xuất phát từ nỗ lực của bản thân Đa-vít. Lòng nhân từ và thương xót của Đức Chúa Trời trên đời sống Cơ-đốc-nhân ngày nay cũng cùng nguyên tắc. Tất cả những thành quả đạt được trong cuộc sống nhân sinh của chúng ta đều là sự ban cho từ tình yêu của Đức Chúa Trời. Chiếc vương miện trong đời sống người Cơ-đốc được dệt từ tình yêu vĩnh cửu và lòng thương xót như biển cả của Thiên Chúa.[4] Đây là lý do nhắc nhở chúng ta không được quên các ân huệ của Ngài.
Sự Thỏa Lòng
“Ngài cho miệng ngươi được thỏa các vật ngon” (c.5) khẳng định rằng chỉ những ai bước đi trong sự dẫn dắt của Chúa mới có sự thỏa lòng. Đức Giê-hô-va làm thỏa mãn những tấm lòng khao khát Ngài, và Ngài không rút lại bất cứ điều tốt lành nào khỏi những ai đang bước đi cách ngay thẳng.[5] Như Ma-na được Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên khi xưa thể nào, Bánh Hằng sống được Chúa Jesus chuyên trao cho các môn đồ làm sao, thì những ai bước đi trong sự dẫn dắt của Chúa hôm nay cũng được no nê, thỏa mãn như vậy. Chính vua Đa-vít đã kinh nghiệm sự thỏa lòng khi bước đi trong chương trình của Đức Chúa Trời. Y-sơ-ra-ên dưới thời cai trị của Đa-vít là Vương quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử dân tuyển. “Ngài cho miệng ngươi được thỏa các vật ngon” không chỉ là lời hứa mà còn là kinh nghiệm của các Cơ-đốc-nhân trải các thời. Đây chính là lý do nhắc nhở chúng ta không được quên các ân huệ của Đức Chúa Trời.
Sự Phục Hồi
Image result for hoa hồngNăm ơn lành: tha thứ, chữa lành, cứu chuộc, tình yêu và thỏa lòng sẽ khiến cho “tuổi đang thì của ngươi trở lại như của chim phụng hoàng” (c.5). Hình ảnh chim Phụng hoàng dũng mãnh cho thấy rằng bất cứ ai trông đợi Đức Giê-hô-va sẽ được phục hồi, được củng cố và được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục bay cao (Ê-sai 40: 31), vượt trên trần gian tối tăm này. Những ai bước theo Chúa đều kinh nghiệm sức mạnh vượt trổi, càng đi tới “sức lực lần lần thêm cho đến khi ai nấy ra mắt Đức Chúa Trời tại Si-ôn” (Thi 84: 7). Giữa những yếu đuối, vấp ngã, chết chóc của thế gian, quyền năng của Đức Thánh Linh sẽ ban cho chúng ta sự phục hồi và sức mạnh không vơi cạn từ Ngài.[6] Đây là lý do nhắc nhở các Cơ-đốc-nhân không được quên các ân huệ của Đức Chúa Trời.
Là những người tiếp nhận ân huệ của Đức Chúa Trời, Cơ-đốc-nhân hôm nay cần có đời sống biết yêu thương, biết tha thứ và đầy lòng thương xót. Hãy yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta, hãy tha thứ như Chúa đã thứ tha, hãy có lòng thương xót như Chúa từng thương xót, hãy rao truyền Phúc âm cứu rỗi cho hàng triệu đồng bào chưa biết Chúa. Đây chính là cách bày tỏ lòng biết ơn về các ân huệ Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Đây là mục đích cao nhất, thiêng liêng nhất mà Đức Chúa Trời muốn ở mỗi con cái Ngài.
Lời Kết
“Chớ quên các ân huệ của Ngài” là lời cảnh báo, khuyên lơn, nhắc nhở và kêu gọi mỗi người Cơ-đốc hôm nay hãy luôn ghi nhớ những ân huệ mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta! Trải suốt cuộc đời lữ khách trên trần thế này, chính những ân phước Chúa ban trong quá khứ và hiện tại sẽ giúp chúng ta thêm lòng tin, sức mạnh để bước đến tương lai với Chúa… Hãy ghi nhớ những ân huệ Đức Chúa Trời ban, hãy đếm các phước lành Cha từ ái ban tặng, hãy cùng hòa lòng với tác giả Edwin O. Excell để cảm tạ và tri ân các ơn lành Chúa ban trên đời sống chúng ta:
Xin anh đếm các phước lành Cha luôn ban
Xin anh hãy kể ra ơn lành từng tên.
Hãy đếm ơn trên. Hãy kể tên linh ân.
Chắc chắn anh sẽ thấy các công tác Cha đang làm.”
June 14, 2017
An Joseph

________

[1] William Macdonand, Chú Giải Kinh Thánh Cựu Ước (Nashville: Thomas Nelson Publishers, 2004), 615.
[2] William Macdonand, Chú Giải Kinh Thánh Cựu Ước (Nashville: Thomas Nelson Publishers, 2004), 616.
[3] Warren W. Wiersbe, Be Exultant (Colorado Springs: Cook Communications Ministries, 2004), S. 48
[4] Carl Friedrich Keil & Franz Delitzsch, Commentary on the Old Testament (Peabody: Hendrickson, 2002), S. 5:646
[5] William Macdonand, Chú Giải Kinh Thánh Cựu Ước (Nashville: Thomas Nelson Publishers, 2004), 616.
[6] John Calvin, Calvin's Commentaries (Galaxie Software, 2002), S. Ps 103:5